Sự xuất hiện của dịch bệnh đã tạo ra các tác động lớn đến đời sống người dân trên toàn thế giới. Cùng với các biện pháp công nghệ được đưa ra để đảm bảo an toàn, các quốc gia dần bước vào cuộc đua chuyển đổi số để bứt phá và phục hồi nền kinh tế sau đại dịch.
Covid-19 tạo nên một cuộc khủng hoảng lớn, làm gián đoạn đời sống của con người và khiến hoạt động kinh doanh gặp khó khăn từ đầu năm 2020 đến nay. Để ngăn chặn dịch bệnh, Chính phủ đã áp dụng các biện pháp cách ly, phong toả. Tuy nhiên, điều này làm nền kinh tế gặp không ít các khó khăn.
Để thích nghi với tình hình thực tế, nhiều doanh nghiệp đã tìm đến các giải pháp công nghệ mang tính chiến lược dài hạn. Làn sóng chuyển đổi số trên thế giới được thúc đẩy bởi nhu cầu gắn kết của cộng đồng và nhu cầu đảm bảo hoạt động kinh doanh, duy trì chuỗi cung ứng hàng hóa.
Chính phủ tiên phong thực hiện chuyển đổi số trong thời kỳ dịch bệnh
Các cơ quan nhà nước là đơn vị tiên phong phổ biến và triển khai chuyển đổi số dưới sự tác động của dịch bệnh. Chính phủ hướng tới mục tiêu gắn kết người dân trên các nền tảng số, cập nhật các thông tin, diễn biến dịch bệnh và đưa ra các chỉ thị kịp thời. Điều này cũng góp phần quan trọng trong chính sách phòng chống dịch bệnh hiệu quả.
Tại Việt Nam, chuyển đổi số trong giai đoạn dịch bệnh giúp thông tin được chuyển tải nhanh chóng. Cùng với đó, Bộ Y tế cũng triển khai các giải pháp y tế số như dịch vụ khám chữa bệnh từ xa, ứng dụng truy vết dịch bệnh…
Rõ ràng, cuộc khủng hoảng Covid-19 cho thấy tầm quan trọng của chuyển đổi số. Áp dụng công nghệ để tối ưu mọi hoạt động đã giúp chúng ta vượt qua được nhiều khó khăn. Công nghệ không chỉ là công cụ cần cho Chính phủ mà còn đóng vai trò quan trọng cho doanh nghiệp thay đổi mô hình kinh doanh, tạo dựng chiến lược phát triển trong và sau khủng hoảng.
Công nghệ giúp Chính phủ cập nhật thông tin tới cộng đồng nhanh chóng
Chuyển đổi số tạo cơ hội cho doanh nghiệp khắc phục thiệt hại sau đại dịch
Đối mặt với đại dịch, doanh nghiệp gặp không ít các tác động xấu như:
- Không thể tương tác trực tiếp với khách hàng, người tiêu dùng
- Doanh số kinh doanh giảm mạnh
- Hoạt động sản xuất, phân phối kinh doanh bị gián đoạn
Tuy vậy, nhìn nhận một cách tích cực, có không ít doanh nghiệp có được cho mình định hướng để ứng phó với tình hình dịch bệnh một cách hiệu quả. Lối suy nghĩ chuyển đổi số, tận dụng công nghệ đã giúp các hoạt động kinh doanh có thể diễn ra từ xa, đảm bảo hoạt động sản xuất và phát triển tiếp thị sản phẩm trực tuyến.
Covid-19 thúc đẩy doanh nghiệp nhanh chóng nắm bắt cơ hội thực hiện chuyển đổi số. Đây là cả một quá trình dài hạn và cần có chiến lược cụ thể. Để có được những bước phản ứng nhanh đầu tiên tới hoạt động chuyển đổi số bền vững và dài hạn, doanh nghiệp cần có những nhận thức đúng đắn.
Xuyên suốt quá trình chuyển đổi số, con người là yếu tố quan trọng nhất. Chuyển đổi số giúp cải thiện kỹ năng và sự sáng tạo của đội ngũ lao động, đồng thời nâng cao trải nghiệm khách hàng qua các nền tảng số. Để có được chiến lược chuyển đổi số thành công, các nhà hoạch định chiến lược cần tập trung nâng cao giá trị con người song song với phát triển hạ tầng công nghệ.
Ứng dụng công nghệ vào sản xuất thời kỳ Covid
Chưa có dự đoán nào chính xác về thời điểm dịch bệnh hoàn toàn chấm dứt. Những ảnh hưởng của nó không chỉ ở thời điểm hiện tại mà còn gây ra nhiều hậu quả cho nền kinh tế tương lai. Việc kịp thời tham gia làn sóng chuyển đổi số giúp các tổ chức và doanh nghiệp bảo vệ tài sản vô hình và hữu hình của mình.
Bởi vậy, các nhà lãnh đạo cần nhìn nhận việc lên chiến lược chuyển đổi số là hướng đi, giải pháp dài hạn cả trong và sau đại dịch.Giải pháp này giúp chúng ta vượt qua thách thức, phát triển đột phá và bền vững trong tương lai. Dịch bệnh đã thay đổi cách nhìn của chúng ta về công nghệ và trả lời cho câu hỏi tại sao phải chuyển đổi số.